Ù tai - Đau tai - Mất chức năng vòi nhĩ trong bệnh lý viêm mũi xoang

16/10/2014 30.456 lượt xem



Ù Tai: tiếng ù tần số cao khi tai trọng bị tổn thương. Tiếng ù trầm khi vòi nhĩ và tai giữa viêm, chuỗi xương nghe mất chức năng.

Đau Tai: khi có ứ dịch trong hòm tai giữa, vòi nhĩ tắc do viêm mũi xoang.

Nghe Kém: do vòi tai tắc, dịch sinh lý tắc lại trong tai giữa, gây mất khả năng dẫn truyền âm.


Ù TAI
- Ù tai tần số cao như tiếng ve kêu là triệu chứng thiếu máu nuôi dưỡng tai trong.
- Ù tai tiếng trầm có kèm theo đau tức ở tai là triệu chứng vòi nhĩ bị bít tắc gây nên do mũi xoang viêm đã gây bít tắc vòi nhĩ, dịch sinh lý ở tai giữa không thoát được ra vòm mũi họng, gây nên tăng áp lực của tai giữa. Ngoài ù tai bệnh nhân bị đau tai,

Vòi nhĩ đi từ mặt trước hòm tai ra trước và xuống dưới tạo thành một góc 45 độ với phương nằm ngang. Đoạn giáp với vòm họng là cấu trúc cơ lót trong lòng là niêm mạc hô hấp và tận cùng là 
cửa loa vòi mở vào thành bên vòm họng. Cửa này sẽ tự mở khi bạn nuốt hay ngáp. Phản xạ tự nhiên này sẽ tự đẩy các dịch bài tiết sinh lý từ tai giữa vào vòm họng giữ cho tai giữa thông như bình thường và nghe tốt.
 
Vậy chiều ngược lại thì sao ?
 
Bạn có biết câu người ta phàn nàn khi chạy trên đường dài “ Mệt Bở Hơi Tai “ không? Sự thật là có như vậy. Để duy trì cuộc đua bạn thở rất mạnh nên tạo ra một áp lực lớn trên đường hô hấp, áp lực này có thể chấn động cả đường  thở trong đó có cửa loa vòi nhĩ nơi mở thông không khí vào tai giữa. Nếu mũi xoang của bạn bị viêm thì dịch mủ từ hốc mũi sẽ tràn qua cửa loa vòi tai và gây tắc vòi tai. Nếu phản xạ này bị lặp đi lặp lại nhiều lần, dịch viêm sẽ làm viêm tắc vòi nhĩ. Đây sẽ là bước đầu của viêm tai giữa.
 
Bạn hãy nhớ cơ chế này để kiểm tra ngay tình trạng viêm mũi xoang của mình nếu bạn thấy ù tai đau tai hoặc nghe kém: Chức năng vòi nhĩ của bạn đã mất... Mời các bạn xem thêm bài dưới đây.
 


MẤT CHỨC NĂNG VÒI NHĨ TRONG BỆNH LÝ VIÊM MŨI XOANG

Trần Lê Thủy MD., Ph.D
Trần Minh Trang MD., MSc

Websites: taimuihongthuytran.com & xoang.vn
 
GIỚI THIỆU
 
Nhóm từ “Mất chức năng vòi nhĩ “-“ Eustachian Tube Dysfunction” được thông dụng trong y văn quốc tế là chỉ trạng thái bít tắc hoặc mở bất thường của vòi nhĩ, bước khởi đầu dẫn đến viêm tai giữa và nghe kém kiểu truyền âm. Thực chất mất chức năng vòi nhĩ có thể coi là bệnh lý viêm tai giữa.
Từ năm 1563 Eustachius đã nghiên cứu giải phẫu, chức năng sinh lý vòi Eustachian, mối quan hệ giữa vòi Eustachian và viêm tai giữa. Sau này là những nhà tai học như Toynbee, Politzer, Bezol đã đi tiên phong phát triển các phép thử đánh giá chức năng vòi nhĩ, vai trò giữ cân bằng thông khí giữa áp xuất khí quyển và tai giữa, tác động lên màng nhĩ và chuỗi xương nghe trong cơ chế truyền âm [1]. Muộn hơn và giữ vai trò quan trọng đến ngày nay trong chẩn đoán chức năng vòi nhĩ và bệnh lý tai giữa là Tympanometry của Liden, được cải tiến và hoàn thiện bởi Jerger [2]. Tác giả mô tả và phân loại các đỉnh Tympanogram, đã đưa ra những biểu đồ khách quan về áp lực âm trong hòm nhĩ xẩy ra khi tắc vòi, ứng dụng định bệnh viêm tai keo [Otitis Media with Effusion-OME]. Schuknecht [3], Sismanis [4] và nhiều tác giả khác đã nghiên cứu cơ chế vòi nhĩ mở do sự viêm nhiễm niêm mạc của vùng bao quanh loa vòi. Theo Siegel [5] 50% trẻ em viêm mũi xoang có phối hợp mất chứng năng vòi nhĩ và viêm tai giữa. Theo Trần Lệ Thủy là 37% ở người lớn và trẻ trên 8 tuổi [6]. Ở trẻ dưới ba tuổi 100% trẻ viêm tai giữa keo xẩy ra trên tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp trên tái diễn (7).
                                   

GIẢI PHẪU & SINH LÝ VÒI NHĨ


    H1.Mủ chảy từ xoang qua vòi tai xuống họng                          Vòi nhĩ phải bình diện đứng
 
Ở người trưởng thành chiều dài của vòi khoảng từ 31 đến 38mm với phần sụn chiếm 2/3, còn lại là phần xương. Phần sụn nhọn và khép hẹp lại như cái đầu gậy uốn khúc hướng xuông dưới và ra trước mở vào khoang mũi họng, với một phiến sụn mỏng lớn giữa hợp với môt phiến sụn bên kích thước nhỏ hơn tạo thành một cái khe ảo. Một màng sợi dầy- cân vòi họng [Salpingopharyngeal] được gắn với bờ tự do của phiến sụn giữa. Sụn được cấu trúc mặt nhẵn, hyaline với thành phần elastic đàn hồi nối phiến sụn bên với phiến sun giữa của vòi nhĩ. Màng niêm mạc biểu mô giả trụ dựa trên một lớp tổ chức đệm dầy đặc với tổ chức lympho, phát triển ở mức dộ khác nhau theo lứa tuổi, và một lớp tổ chức tuyến tiết dịch màn hầu vòi. Tổ chức lympho ở thành bên họng bao quanh miệng vòi Eustachian được Rudinger & Gerlasch [3] mô tả đầu tiên, gọi là “Gerlach’s tubal tonsil” đóng vai trò quan trọng trong bệnh lý vòi nhĩ và tai giữa. Nhiều nghiên cứu về tổ chức lympho dưới lớp niêm mạc loa vòi nhĩ đã chứng minh tác động viêm nhiễm vùng mũi họng gây nên sự viêm nhiễm đồng thời ở vùng loa vòi; Schuknecht gọi đây là sự gây nhiễu đã xẩy ra ở loa vòi nhĩ do viêm nhiễm mũi xoang đã tác động làm cho vòi Eustachian mở tự do cho Virus và vi khuẩn đi ngược dòng lên tai giữa [3]. Phần xương được nối với phần sụn ở hướng trước bên. Chỗ nối này được đánh dấu bởi một eo thắt, là vùng hẹp nhất của vòi nhĩ, được bao bọc ở phần sau giữa và dưới bởi xương, trước bên và trên là sụn. Lỗ vào hòm nhĩ của vòi Eustachian được mở ở tường trước của hòm nhĩ ở khoảng 4mm cao hơn phần thấp nhất của sàn hòm tai giữa. Lỗ mở này có hình tam giác, đường kính 3-5mm. Phần thu hẹp ở eo vòi chỉ khoảng 2-3mm đường kính đứng và rộng từ 1 đến 1,5mm, niêm mạc phủ trên mặt trong phần xương của vòi nhĩ là biểu mô trụ với nhiều tê bào hình cốc. Dưới đó là lớp tổ chức đệm và tổ chức liên kết lỏng lẻo [8].
 
Ở trạng thái bình thường, vòi nhĩ đóng bởi tác dụng của lớp sụn và sức ép của các tổ chức bao quanh. Khi nuốt, vận động hàm, ngáp, sự co kéo của các cơ căng màn hầu khẩu cái [Tensor Veli Palatini], cơ nâng màn hầu khẩu cái [Levator Veli Palatini] và cân cơ vòi họng - [Salpingopharyngeus] đã làm cho vòi nhĩ mở, trong đó vai trò quan trọng hơn cả là cân cơ căng màn hầu khẩu cái [Tensor Veli Palatini]. Thời gian vòi nhĩ mở diễn ra trong khoảng 3-5 phần mười của một giây. Trong chốc lát này tai giữa có áp lực âm hút không khí vào hòm tai vào các khoang tế bào khí của xương chũm và các nhóm tế bào khí khác của xương thái dương qua vòi tai. Sau đó từ các khoang trống này không khí thẩm thấu vào dòng máu [4].  Khoảng 33% người bệnh có thông bào khí của mỏm xương đá, với CT cho thấy 92% trong số này các tế bào khí mở thẳng vào phần xương của thành trước hòm nhĩ  [1].

 

 
H2. CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CÁC CÂN CƠ TẠI LOA VÒI NHĨ [8]
 
 A. Cơ trong trạng thái nghỉ. B. Cơ đang co [Proctor, University of Michigan, Ann Arbor, Michigan. In Harold F Schuknecht, Pathology of the Ear. 2nd ed, 1993, pp: 42 [8]
Hình vẽ của Proctor
 
Sự co của cơ căng và cơ nâng hầu khẩu cái và cơ vòi họng tác động vào phần sụn của vòi nhĩ, mở vòi nhĩ. O’Reilly [1] đã giới thiệu sự hoạt động của các cơ này mở loa vòi nhĩ với bốn phase, mô tả trên hình ảnh Video quay chậm.
 
Ở người trưởng thành vòi nhĩ nằm chếch với bình diện ngang khoảng gần 45 độ. Ở trẻ em hướng vòi nhĩ nằm trong bình diện ngang, lòng vòi nhĩ gần như song song với đáy sọ, chếch 10 độ so với mặt phằng ngang [1].. Nghiên cứu của Holborow cho thấy tư thế nằm khiến vòi nhĩ gần như chỉ ở trạng thái mở do tác động cân cơ màn hầu yếu [8]. Đây là yếu tố thuận lợi cho dịch từ thực quản dạ dầy trào ngược vào tai giữa qua vòi nhĩ. Mặt khác, sinh lý màng niêm mạc với các tế bào lông phủ trong phần trước của tai giữa và vòi nhĩ theo quy luật tự nhiên của quá trình đào thải niêm dịch có hoạt tính nhanh chóng đẩy ra khoang mũi họng những chất dịch thải từ tai giữa. Gần đây nhất, Bradley và Jennifer (10) đã tóm tắt cơ chế gây nên mất chức năng vòi nhĩ như sau: Một là do sự tắc nghẽn niêm mạc mũi sinh ra do hậu quả phù nề niêm mạc vòi tai, hai là chức năng đào thải niêm dịch bị hạn chế, ba là dị ứng và viêm nhiễm.
 
 
CHỨC NĂNG VÒI NHĨ

1. Cân bằng áp suất (Pressure Equalization)
Ở trạng thái nghỉ phần sụn của vòi nhĩ đóng ở thành bên họng mũi. Không khí từ bên ngoài vào hòm nhĩ thay đổi áp suất, đến thời điểm áp suất giảm không sinh lý nữa thì vòi nhĩ mở để cân bằng lại. Thời gian mở này cho phép âm thanh dẫn truyền qua màng nhĩ và chuỗi xương con.
 
2. Bảo vệ tai giữa (Middle Ear Protection)
Chống vi khuẩn, virus từ môi trường mũi xoang vào tai giữa qua vòi nhĩ.
Tránh chấn động âm quá lớn bảo vệ thính giác
 
 
3. Bài tiết và dẫn lưu dịch nhầy (Mucociliary Clearance and Drainage)
Lót trong lòng vòi nhĩ là lớp biểu mô đường thở tương tự như lớp biểu mô lót lòng tai giữa. Sự bài tiết dịch của niêm mạc tai giữa được vận chuyển ra vòi nhĩ theo một chương trình tự nhiên, tạo nên một màng nhầy di chuyển qua vòi nhĩ ra khoang mũi họng. Chức năng đào thải này do phần sụn vòi nhĩ đảm nhiệm, ở phần trên của vùng vòi nhĩ niêm mạc giầu các tế bào cốc, nhẵn, thông khí.

 
 
H3. CHỨC NĂNG VÒI NHĨ
EC: ống tai ngoài, TM: màng nhĩ, ME: tai giữa, ETlumen: ống vòi nhĩ, EP gas: luồng khí từ họng mũi vào tai giữa, TVP: cơ căng màn hầu khẩu cái.
 
 Casselbrant & Mandel, [Adapted from Bluestone CD.Eustachian Tube Tructure Function, Role in Otitis Media- Hamiton, Ont: Bc Decker; 2005-51.]
             In Cummings Otolaryngology and Head Neck Surgery, Fifth 5, 2010 (11)
 
 
MẤT CHỨC NĂNG VÒI NHĨ
Eustachian Tube Dysfunction

 
NGUYÊN NHÂN
 
Trong trạng thái bình thường tai giữa chỉ hút không khí qua vòi Eustachian khi nuốt, ngáp. Nếu sự nuốt không làm mở vòi nhĩ sẽ dẫn đến hậu quả áp lực âm trong tai giữa, áp lực âm này sẽ tồn tại và tăng dần mức độ do cơ chế các khoang trống trong xương thái dương thẩm thấu khí vào dòng máu. Hậu quả của hiện tượng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự truyền âm và thải dịch bài tiết từ tai giữa ra khoang mũi họng và hình thành bệnh lý viêm tai giữa. Sự mở tự do của vòi nhĩ có thể xẩy ra do sự nhiễm khuẩn, dị ứng đường hô hấp trên [4, 5], viêm mũi xoang [3]: qua vòi nhĩ mở virus và vi khuẩn vào hòm nhĩ, gây viêm phù nề niêm mạc vòi nhĩ và tắc vòi nhĩ.
Sự chít hẹp đường kính lòng vòi nhĩ có thể xẩy ra khi có sự tăng sản tổ chức liên kết dưới niêm mạc hoặc xơ sẹo do viêm nhiễm để lại, phối hợp với những viêm nhiễm mạn tính tai giữa, quá sản tổ chức lympho, hoặc do sự ốm yếu của các cơ, hoặc liệt cơ, hoặc do khối u, dị tật màn hầu hàm ếch.
Cảm lạnh có thể gây nên tắc vòi nhĩ cấp, nhanh chóng tạo áp lực âm trong tai giữa.
Rundcrantz [8] nghiên cứu khả năng thông khí của vòi nhĩ đã kết luận rằng khối lượng khí qua vòi nhĩ sẽ giảm 1/3 mức bình thường trong khi nuốt nếu bệnh nhân ở trong tư thế nằm. Với đầu nâng từ 20-30 độ lượng khí giảm 2/3 mức bình thường. Tác giả gợi ý rằng khi ngủ nên kê gối không cao quá 20 độ so với mặt phẳng ngang. Hầu hết trên người mắc bệnh viêm tai keo -Otitis Media with Effusion-(OME) không khí không thể qua vòi nhĩ khi nuốt.
Như vậy quá trình viêm tác động từ mũi xoang sẽ diễn biến tại vòi nhĩ theo hai công đoạn: viêm nhiễm từ bên ngoài mũi xoang gây mở vòi nhĩ để vi khuẩn có đường vào tai giữa, sau đó sự viêm nhiễm thứ phát xẩy ra trong tai giữa gây tắc vòi nhĩ. Virus, vi khuẩn, dị ứng mũi xoang tác động mở vòi nhĩ bệnh lý, tiếp sau đó là quá trình viêm gây viêm tắc vòi nhĩ và hình thành viêm tai giữa. Những dị hình cấu trúc vòi nhĩ, hàm ếch, các yếu tố môi trường, suy giảm miễn dịch của cơ thể là những điều kiện thuận lợi tham gia vào cơ chế viêm nhiễm này.
 
CHẨN ĐOÁN LÂM SÀNG

Triệu chứng lâm sang
 
Triệu chứng mất chức năng vòi nhĩ do viêm nhiễm và dị ứng có đặc tính là diễn ra rất bất thường, ban đầu bộc lộ cấp tính, muộn hơn sẽ trở nên mạn tính và kín đáo, thường xuất hiện đồng thời với các triệu chứng lâm sàng khác của viêm mũi xoang. Tuy nhiên, một số trường hợp triệu chứng tắc vòi nhĩ xuất hiện đơn độc cấp tính.
Đau tai: Trong dị ứng và viêm mũi xoang cấp triệu chứng loa vòi nhĩ bị bít lấp do niêm mạc quanh vùng sụn cửa vòi nhĩ phù nề, do mủ trực tiếp che loa vòi.  Áp lực âm trong tai đã gây nên sự ép do chênh lệch với áp xuất khí quyển đè lên màng nhĩ gây đau nhói trong tai, cảm giác bức bối trong tai. Mức độ đau tăng giảm thất thường.
Ù tai Không phải tiếng ù tai theo đúng định nghĩa của bệnh ù tai [ù tai là tiếng âm tần số cao]. Bệnh nhân phàn nàn là ù tai theo cách của mình. Thực chất là cảm giác ong ong vang trong tai, lan khắp đầu.
Nghe kém: kiểu truyền âm.
 
Triệu chứng viêm mũi xoang
 
Pneumatic otoscopy đánh giá trạng thái tai giữa thông qua khả năng rung động của màng tai.
Nội soi màng tai:  Quan sát các mốc giải phẫu của xương búa, mầu sắc độ trong sáng, độ đầy, độ rung động của màng tai. Hình ảnh màng tai thể hiện hai giai đoạn chính: Một là nhẹ mới thể hiện tắc vòi nhĩ nhẹ, mất bóng sáng, giảm di động, đục, giảm độ lõm. Hai là đã bộc lộ hình ảnh viêm tai giữa tiết dịch màng tai đóng kín OME có thể có hình bóng nước, mức nước, mủ xuất hiện phía sau màng nhĩ, có thể dầy, mầu hồng, mầu xám, hoặc mầu sáp ong; mầu xanh, cũng có thể ngược lại màng nhĩ mỏng nhăn nhúm, mất chất, có thể dính vào thành trong hòm tai. Với viêm tai giữa cấp AOM màng tai xung huyết, đỏ, sưng phồng, đặc biệt mất hết các mốc giải phẫu của màng nhĩ và mấu ngắn xương búa.

 
 
 
H4. Các dạng màng nhĩ của bệnh nhân tắc vòi tai và viêm tai giữa ( Clinic Thủy Trần )
Bệnh nhân NVQ có một nhĩ đồ đặc biệt hiếm găp: hình đồi, tắc vòi nhĩ và viêm tai keo
 
 
THỬ NGHIỆM ĐÁNH GIÁ CHỨC NĂNG VÒI NHĨ

Ích lợi lâm sàng của các test đánh giá chức năng còn bị hạn chế. Không có một sự đánh giá đồng nhất khẳng định chức năng vòi nhĩ trước phẫu thuật trên những cá thể có lỗ thủng màng tai. Hoặc khó đánh giá mức độ rủi ro của viêm tai giữa trên bệnh nhân đặt ống thông khí. Sự hạn chế này có thể do test thực hiện trong điều kiện không sinh lý [1]. Những kết quả của các test chức năng vòi đơn giản cho khả năng dự đoán thấp. Có thể xẩy ra những trường hợp bệnh nhân khi thử test cho thấy không có sự cân bằng áp suất khí tai giữa so với bên ngoài nhưng không có triệu chứng bệnh lý tai. 
 
Test chức năng vòi nhĩ có hai loại: Đo sự lưu thông của khí qua vòi nhĩ và đo tác sự hoạt động cơ mở vòi nhĩ.
 
- Politzer test
Đặt quả bóng Politzer vào một bên lỗ mũi người bệnh, bịt kín lỗ mũi bên đối diện, bệnh nhân nuốt hoặc phát âm nâng vòm khẩu cái lên cao, không khí được đẩy vào khoang mũi và vòi nhĩ.
 
- Valsava test
Bịt kín hai lỗ mũi, mím miệng, thở ra hết sức để áp lực khí đẩy mở vòi nhĩ.
 
- Toynbee test
Làm tương tự như Valsava nhưng người bệnh nuốt trong khi mũi bít kín. Toynbee được coi là dương tính nếu sự thay đổi áp lực tai giữa đo được bởi tympanometry trước và sau test và cả trong lúc thử test.
 
KHUYẾN CÁO: Theo Trần Lệ Thủy ba test nói trên gồm Politzer, Valsava và Toynbee không nên thực hiện trên bệnh nhân đang viêm mũi xoang và trào ngược dạ dầy thực quản vì những test này có mặt trái là sẽ đưa dịch viêm từ khoang mũi họng qua vòi nhĩ gây nên viêm tai giữa.

- Bluestone test
Thực hiện Toynbee test trên bệnh nhân có màng nhĩ đóng kín theo chín bước tăng giảm áp lực của tympanometry. Test này đo khả năng vòi nhĩ giữ cân bằng áp xuất được cung cấp là dương tính và âm tính khi nuốt. Kết quả sẽ cho sự đánh giá tốt chức năng vòi nhĩ.
 
 - Sonotubometry
Đo sự mở tích cực của vòi nhĩ. Một âm thanh cường độ không đổi được đưa vào lỗ mũi trong khi một microphone đặt ở ống tai ngoài đo áp lực âm được truyền ra. Mức âm thanh được đo khi bệnh nhân nuốt. Nếu có một sự tăng áp lực âm thanh đo được trong ống tai từ 5 dB trở lên thì có thể kết luận có sự mở vòi nhĩ. Ưu điểm của phép đo này là đánh giá chức năng vòi nhĩ dưới những điều kiện sinh lý không có áp xuất cung cấp từ bên ngoài và có thể thực hiện nó với một màng nhĩ đóng kín. Theo Thuy TL, cả ba thử nghiệm Politze test, Valsava test và Toynbee test đều có mặt trái là đã tạo nên một lực chủ động đẩy dịch viêm từ mũi họng qua vói nhĩ vào tai giữa, tác giả khuyến cáo không nên áp dụng khi có nghi vấn mũi họng xoang đanng viêm nhiễm (7).

- Tympanometry
Tympanometry là phép đo khách quan bổ trợ xác định dòng khí thổi sinh ra năng lượng âm qua hệ thống tai giữa và gián tiếp đo chức năng vòi nhĩ. Tympanometry có thể áp dụng đo chức năng vòi nhĩ cho trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi.
Tympanogram là biểu tượng khả năng phản hồi của năng lượng âm học của tai giữa dưới tác dụng lực qua ống tai ngoài biến đổi từ -400 đến +200 daPa [decapascals]. Đỉnh áp xuất đo được cung cấp thông tin về sự phản hồi âm qua chỉ số TW [Tympanometric width]. Khi chức năng thông khí tai giữa bình thường áp lực sẽ cân bằng giữa hai bên của màng nhĩ trên tympanogram chỉ số TW có đỉnh ở 0daPa.
TW nhỏ hơn 150 daPa = không OME [Otitis Media with Effusion]
Tw lớn hơn 350 daPa = OME
TW 150-350=có hoặc chưa có OME, sẽ được xác định bởi soi tai [10].


Tympanogram

 
 H5.  PHÂN LOẠI TYMPANOGRAMS THEO LIDEN & JEGER [12]
 
 
Trích dẫn từ Kileny &Zwolan. Diagnostic Audiology. In Cummings Otolaryngology Head and Neck Surgery, Mosby Company ed., Fifth ed., 2010, pp: 1887-1903
 
 
Type A:   Chức năng tai giữa bình thường
Type Ao: Đỉnh áp xuất cao bất thường do màng nhĩ hoặc chuỗi xương con quá di động [hypermobility] gây nên bởi một màng nhĩ bị yếu hoặc sẹo hoặc chuỗi xương con bị gián cách.
Type As: Đỉnh áp xuất ở điểm 0, mặc dù giảm biên độ, đây có thể là chuỗi xương con bị cố định, có thể cố định xương bàn đạp trong bệnh otosclerose.
Type B:  Đồ thị dẹt gần như phẳng: Giai đoạn sớm trong viêm tai keo [OME].
Type C: Áp xuất tai giữa âm, đỉnh lệch bên phía áp lực âm: Vòi nhĩ mất chức năng và viêm tai keo - OME
Type D: Có một vết khía trên đỉnh áp xuất: thường có với một sẹo màng nhĩ hoặc bình thường, hoặc màng nhĩ quá di động.
 
 
CHẨN ĐOÁN MẤT CHỨC NĂNG VÒI NHĨ, CHẨN ĐOÁN NGUYÊN NHÂN
 
Đo nhí đồ, thính lực đồ, nội soi tai mũi họng, chụp phim mũi xoang cho mọi đối tượng có triệu chứng ù tai, đau tai, nghe kém.
 
Do niêm mạc vòi nhĩ bị kích thích (Irritating):
                                              
Tác động kích thích gây nên bởi hiện tượng phù sung niêm mạc vòi nhĩ làm cho “valve “ trong cơ chế hoạt động của các cơ vòi nhĩ không hoạt động:
Là do chấn thương áp lực và viêm nhiễm mũi xoang xoang, triệu chứng là đau tai, ù tai, nghe kém kiểu truyền âm, mức độ biến động, xẩy ra đột ngột, có tần suất lúc tang lúc giảm. Thường bệnh nhân tự nhận biết được rõ khi đi máy bay, tầu thủy hoặc bơi dưới ấp lực nước.
Với bệnh nhân có triệu chứng viêm mũi xoang cần nội soi màng tai để phát hiện chức năng vòi nhĩ bệnh lý và tình trạng tai giữa. Có một tỷ lệ khá cao trên bệnh nhân viêm mũi xoang mạn tính những bị bỏ qua vì thiếu vắng các triệu chứng ở mũi: Ù tai đau tai hoặc nghe kém là triệu chứng duy nhất họ cảm nhận được

Soi vòm họng phát hiện tổ chức Adenoid quá phát hoặc khối u vòm họng, hoặc mủ chảy phủ vòm họng, mủ có thể che phủ loa vòi, mủ chảy ở thành sau họng, đôi khi mủ che cả cửa loa vòi nhĩ ở thành bên vòm họng.
 
Patulous - Mât chức năng vòi nhĩ do dãn rộng loa vòi, các cơ thắt vòi không đồng bộ hoạt động: Điều trị phẫu thuật


 
ĐIỀU TRỊ MẤT CHỨC NĂNG VÒI NHĨ
 
Rimmer , Gidding và Armstrong  đã nhắc lại khái niệm của Polizer mở màng nhĩ đặt ống thông khí để cân bằng ấp lực, khái niệm này đã trở thành giải pháp thông dụng điều trị mất chức năng vòi nhĩ (9). Sterois, kháng sinh uống và điều trị tại chỗ từ lâu đã được khuyến cáo sử dụng. Tuy nhiên các tác giả chưa khẳng định được vai trò của corticoid trong điều trị tại chỗ. Gần đây, một số kỹ thuật mổ chình hình nhằm cải thiện sự phù nề niêm mạc của vòi nhĩ đã được thực hiện thành công. Mục đích của những kỹ thuật này là làm giảm mỏng khối niêm mạc bít tắc vòi nhĩ hoặc chỉnh hình vòi nhĩ trên bệnh dãn rộng vòi nhĩ. Đây là một vùng giải phẫu nhậy cảm, phẫu thuật đòi hỏi kinh nghiệm cao và điều kiện hỗ trợ tốt.
 
Đã có nhiều bài thuốc điều trị tại hốc mũi trong y văn. Gần đây nhất là đúc kết của Bradley và Jennifer (10), tác giả này có cùng quan điểm điều trị viêm tắc vòi nhĩ qua đường hốc mũi.
 
- Thuốc tại chỗ được dung là giỏ mũi: 25 mg intravenous Premarin pha loãng trowng 30ml dung dịch Cloride, dỏ mũi ngày ba lần trong saú tuần, hoặc dung dịch acid ascorbic – PatulEND, postassium iodide (SSKI), tám đến mười giọt pha loãng trong nước sạch súc họng miệng để rửa dịch nhầy, ngày ba lần, hoặc bột Boric và Salicylic phun vào hóc mũi hoặc đưa vào qua catheter.làm sạch nhầy trong mũi họng.
- Tìm nguyên nhân viêm mũi xoang để điều trị nguồn bệnh chính.
- Chich rạch mang tai đặt ống thông khi: Đây là cách giải tỏa bít tắc vòi nhĩ qua đường mở hòm tai cho dịch viêm được loại ra ngoài cho thông khí trực tiếp.
- Tiêm Hydroxyapatite vào dưới niêm mạc: Gây mê, qua nội soi với ống 45 độ qua hốc mũi với 1ml calcium hydroxyapatite (HA)
- Khám và điều trị nội soi khoang mũi họng vơi kỹ thuật Thủy Trần hút dịch viêm ra khỏi vòi tai và cả hệ thống xoang là cách chẩn đoán và đồng thời là cách chữa tích cực và khả thi (7).
 
 
                       
                   H6. Kỹ thuật nội soi hút rửa mũi xoang và vòi nhĩ.        Mủ được hút ra từ vòi tai trái.
 
 
- Chống trào ngược thực quản: Yếu tố gây viêm tắc vòi nhĩ do trào ngược thực quản đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ. Trẻ dưới hai tuổi vòi nhĩ nằm ngang, mở vì các cơ thắt vòi nhĩ yếu, dịch dạ dầy thực quản dễ dàng trào qua vòi nhĩ vào tai giữa gây nên một vòng luẩn quẩn không dứt.
- Điều trị kháng histamine tổng hợp chống dị ứng.
- Nạo VA [Ở trẻ em] khi tổ chức này quá phát che lấp loa vòi Eustachian.
 
 KẾT LUẬN
 
Về giải phẫu, sinh lý và bệnh lý viêm nhiễm niêm mạc tai giữa và mũi xoang là một tổ hợp gắn kết với nhau thông qua cầu nối vòi Eustachian. Ở trạng thái bình thường vòi Eustachian có chức năng tích cực. Khi bị tấn công của virus, vi khuẩn và dị ứng nó trở nên chẳng khác gì một lỗ xoang viêm thực sự, và viêm tai giữa bắt đầu.Trong mối liên kết này nguồn gốc viêm nhiễm luôn khởi xướng từ mũi xoang và vì vậy trên tất cả bệnh nhân có triệu chứng viêm tắc vòi nhĩ hoặc đã viêm tai giữa đều phải nghĩ đến một bệnh lý viêm mũi xoang tiềm tàng đang ẩn phía sau. Đặc biệt triệu chứng tắc vòi nhĩ đến rất cấp tính vì vậy nhiều bệnh nhân đã bị chẩn đoán nhầm là điếc độ ngột.
Cần khuyến cáo bệnh lý viêm tắc vòi nhĩ và viêm tai keo ở trẻ em luôn phát triển thầm lặng ở trẻ nhiễm khuẩn hô hấp trên tái diễn, dấu hiệu lâm sàng duy nhất là ù tai hoặc nghe kém trẻ lại không thể cung cấp cho phụ huynh và hậu quả là gây xẹp nhĩ, nghe kém nặng khi đã trường thành hơn mới đi chữa bệnh.
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. O’Reilly RC.Anatomy and Physiology of Eustachian Tube. In Cummings Otolaryngology Head & Neck Surgery. Mosby Elsevier, Fifth Ed, 2010, Volume two.pp:1866-1875
2. Jerger j. Handbook of Clinical Impedance Audiometry. New York: American electromedics Corp., 1975
3. Schuknecht HF. Pathophysiology. In Harold F.Schuknecht Pathology of the Ear.Lea & Febiger ed., 2nd ed, 1993, pp: 77-79.
4. Sismanis A: Assessement and Treatment of Upper Respiratory Tract Pathology. In Marcos V.Goycoolea. The Otolaryngologic Clinics of North America. Otitis Media, Pathogenesis Approach, Saunders ed., 1991, pp: 947-949.
5. Siegel AC. Diagnosis and Medical Management of Recurrent and Chronic Sinusitis in Children. In M.Eric Gershwin and Gary A Incaudo, Diseases of the Sinusitis A Comprehensive Textbook of Diagnosis and Treatment. Hummana Press. 1996, pp: 197-202.
6. Thủy TL. Kỹ thuật điều trị tại chỗ viêm mũi xoang mạn tính theoThủy Trần. Chuyên san Hội Nghị Khoa Học Kỹ Thuật Ngành tai Mũi Họng Toàn Quốc, Huế, ngày 8-9 tháng 6 năm 2012. Nội san Hội Nghị Khoa Học Kỹ Thuật Toàn Quốc, PP: 180-185.
7. Thuy TL, Tan HB: Clinical Incidence and Management of Otitis Media with Effusion. Cholesteatoma and Ear Surgery, Kugler Publications, Amsterdam, Netherland, 2017, pp: 285-291
CholeScotland 2016, pp: 285-291
8. Schuknect HF. Anatomy. In Harold F. Schuknect Pathology of the Ear. Lea & Febiger. 2nd ed , 1993, pp: 41-42
9. Robert C.O., Jessica L. Anatomy and Physiology of the Eustachian Tube.Otolaryngology Head and Neck Surgery. Cummings, Sauder Elsevier, six Edition 2015,pp:2027-2037.
10. Bradley W.K., Jennifer M.D. Surgery of Ventilation and MUCOSAL disease.Otologic Surgegy. Fourth Edition, Elsevier, 2016. PP: 59-76
11. Casselbrant ML., Mandel EM. Acute Otitis Media and Otitis Media with Effusion. In Cummings Otolaryngology Head and Neck Surgery, Mosby Elsevier, Fifth ed, 2010, pp: 1761-1777.
12. Kileny PR., Zwolan TA. Diagnostic Audiology. In Cummings Otolaryngology Head and Neck Surgery. Mosby Elsevier, Fifth ed., 2010, pp: 1887-1903
 

 
Cùng chuyên mục

"Ù tai" trong bệnh lý mũi xoang

Thuật ngữ chuyên môn ù tai - TINNITUS - được định nghĩa là tiếng âm vang sâu xa như ve kêu có âm sắc tần số cao, từ bệnh lý của tai trong.
Xem tiếp

Đau đầu & Viêm mũi xoang mãn

Đau đầu là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh viêm mũi xoang. Chúng tôi giới thiệu ở đây một thể lâm sàng đặc biệt của viêm mũi xoang mãn tính mà đau đầu là triệu chứng duy nhất bộc lộ trên người bệnh. Dấu hiệu đau đầu đơn độc này thường dẫn người bệnh đến với những chuyên khoa khác như thần kinh, sọ não, hoặc tim mạch.
Xem tiếp

Trào ngược dạ dày thực quản & Viêm mũi xoang mãn

Trào ngược dạ dầy thực quản - GERD là bệnh thuộc chuyên khoa tiêu hoá có liên quan mật thiết đến bệnh lý viêm mũi xoang mãn tính - CRS và dị ứng vùng tai mũi họng.
Xem tiếp

Viêm Amidan - VA & Nhiễm khuẩn hô hấp

VA nằm ở trần vòm họng, ngã ba mũi họng vòi tai
Xem tiếp

Viêm mũi xoang trẻ em & Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên

Tuổi nhỏ là một yếu tố có ý nghĩa đặc biệt trong căn nguyên gây bệnh viêm mũi xoang và đường hô hấp trên. Hệ thống miễn dịch tại chỗ ở trẻ đã đóng vai trò thúc đẩy nhanh quá trình xâm nhập của siêu vi trùng, dị ứng từ môi trường và nơi xẩy ra phản ứng dị ứng là niêm mạc hô hấp.
Xem tiếp

Viêm mũi xoang mãn tính & Kỹ thuật Thủy Trần

Viêm mũi xoang mạn tính luôn là một vấn đề thách thức đối với mỗi người thầy thuốc chuyên khoa mặc dù kỹ thuật nội soi và cắt lớp vi tính CT Scan đã đưa cấu trúc phức tạp của vùng mũi xoang trở nên có thể kiếm soát trong chẩn bệnh và điều trị
Xem tiếp
Liên hệ
Tiến sĩ Trần Lệ Thủy
Thông tin liên hệ
Clinic Tai Mũi Họng Thủy Trần
Số 6 P.Đỗ Quang, Q.Cầu Giấy, Hà Nội
Giờ làm việc
Chiều từ 14h00 đến 19h30 (Nghỉ chủ nhật và ngày lễ)
Đặt lịch khám bệnh
Các ô có dấu (*) là bắt buộc phải điền
OTOLARYNGOLOGY PRACTICE OTOLARYNGOLOGY PRACTICE
Trần Lệ Thủy - MD,Ph.D, Otolaryngologist
No.6 Do Quang St. Cau Giay Dist. Hanoi City
Email: thuyent12@gmail.com

Đóng
Giờ làm việc
Chiều từ 14h00 đến 19h30 (Nghỉ chủ nhật và ngày lễ)
Đặt lịch khám bệnh
Các ô có dấu (*) là bắt buộc phải điền
Gửi ý kiến của bạn
Các ô có dấu (*) là bắt buộc phải điền
Tư vấn & đặt lịch khám bệnh 098 368 0276