Liệt mặt còn được gọi là liệt dây VII. Liệt mặt ngoại biên thuộc phạm vi bệnh học của ngành chuyên khoa tai mũi họng. Là bệnh do các tác nhân gây bệnh tác động vào giây thần kinh mặt phần ngoại biên tính từ vị trí giây thần kinh VII thoát ra khỏi não ở rãnh hành cầu, chui vào ống tai trong xuyên qua phần xương đá, đến tai giữa, xương chũm, ra khỏi hộp sọ ở lỗ trâm chũm, đi vào tuyến mang tai, và chia nhánh ở đây. Giây thần kinh mặt chi phối hoạt động các cơ căng da mặt, cơ bàn đạp,các cơ sau tai,cơ nhị thân, cơ căng da cổ. Nhánh trung gian còn gọi là Grisberg, chứa các sợi cảm giác hai phần ba trước lưỡi, sợi phó giao cảm điều tiết tuyến dưới hàm, dưới lưỡi, và tuyến nước mắt. Dây VII còn chứa các sợi hướng tâm nối với nhánh tai của dây X cung cấp cảm giác cho ống tai ngoài, qua nhánh thần kinh khẩu cái lớn chi phối cảm giác niêm mạc mũi, khẩu cái, họng.
Ra khỏi rãnh hành cầu dây VII và dây trung gian Grisberg đi một đoạn ở vỏ não dài khoảng 12-14mm cùng với dây VIII vào ống tai trong. Đoạn trong ống tai trong dài khoảng 8-10mm, chạy đến hạch gối. Đến đây nó phân ra nhánh đá nông lớn, nhánh này đi kèm với các sợi phó giao cảm chi phối tuyến lệ và nhánh đá nông bé cung cấp các sợi phó giao cảm cho tuyến mang tai. Từ hạch gối, nằm sau trên thành trong hòm nhĩ, dây VII đi trên bờ cửa sổ bầu dục, dài khoảng 10mm. Đoạn này rất quan trọng ta có thể gọi nó là đoạn hòm nhĩ. Đoạn này có tỷ lệ cao không có vỏ xương bao bọc và rất dễ bị tổn thương trong viêm nhiễm của tai giữa, cũng như dễ chấn thương trong phẫu thuật xương bàn đạp. Tiếp đó dây VII ngoặt xuống dưới và ra sau để đi đến mỏm xương chũm . Đoạn dây VII chạy trong xương chũm dài khoảng 14mm và chui ra khỏi xương chũm ở lỗ trâm chũm để đi vào tuyến mang tai. Đến đây dây thần kinh trung gian cho nhánh là dây thừng nhĩ - Chorda tympani, đi ngược lên hòm nhĩ lách vào giữa xương đe và xương búa và thoát ra vùng đá nhĩ. Trong tuyến mang tai dây VII nằm lọt giữa hai thuỳ tuyến mang tai giống như sợi dây đánh dấu giữa hai phía của một cuốn sách, nó chia ra thành các nhánh sau: Thái dương, gò má, miệng, hàm dưới, cổ.
Nguyên nhân
Do siêu vi trùng thường gặp nhất là bệnh Zonna. Loại virus này xâm nhập vào hạch gối, ở vị trí nối đoạn hòm nhĩ với đoạn ống tai trong.
Do vi trùng trong viêm tai giữa cấp hoặc mạn.
Do chấn thương xương đá, xương nhĩ, hoặc xương chũm.
Do sang chấn phẫu thuật xương chũm hoặc tai giữa.
Liệt mặt Bell: còn được gọi là liệt mặt vô căn, hoặc do lạnh,hoặc do co thắt, thân dây VII bị chèn ép trong vỏ xương.
Do khối u chèn ép: u hạt, u tuyến mang tai, u dây VII Schwanomma, hội chứng Melkersson - Rosenthals.
Triệu chứng liệt mặt
Triệu chứng lâm sàng của liệt dây VII ngoại biên như sau: Da mặt, miệng, mắt trán mất độ căng. Các nếp nhăn trán trở nên mất cân xứng, nhân chung lệch, mắt nhắm không kín, chảy nước mắt, tê 1/3 trước lưỡi, miệng có thể chẩy xệ một bên, khi ăn uống nước có thể trào ra khoé miệng bên bị liệt. Mức độ liệt khác nhau tuỳ mức độ tổn thương hoặc mức độ thân dây VII bị chèn ép.
Điều trị
Điều trị nguyên nhân.
- Chống viêm & phù nề cấp bằng kháng sinh và corticoid
- Với chấn thương: phẫu thuật bộc lộ dây VII để giải phóng dây VII khỏi vỏ xương để thoát khỏi chèn ép trực tiếp, nối dây VII khi có chấn thương bị đứt.
- Trong viêm tai mạn tính, đặc biệt là loại có chất phá huỷ xương Cholesteatoma dây VII rất dẽ bị tổn thương đoạn khuỷu là điểm nối giữa đoạn hòm nhĩ với đoạn đi xuống mỏm xương chũm. Chỉ định mổ tai và xương chũm cấp cứu để cứu dây VII ra khỏi sự huỷ diệt của Cholesteatoma.
- Với liệt mặt Bell: điều trị chống phù viêm và theo rõi sự tiến triển. Nếu triệu chứng tăng dần, hoặc không phục hồi trong khoảng 2-3 tuần nên đặt vấn đề mổ bộc lộ dây VII, tìm căn nguyên và giảm sức ép của vỏ xương bao quanh thân dây VII.
- Phẫu thuật loại bỏ các khối u giải phóng dây VII.