Triệu chứng điển hình là tắc mũi hắt hơi. Tuy nhiên dị ứng đã làm cho chức năng mũi Xoang trở nên bất thường và là tiền đề cho sự nhiễm khuẩn xẩy ra. Rồi bước tiếp, sự nhiễm khuẩn này lại góp phần gây nên kích thích dị ứng mạnh hơn. Vì mối liên quan bệnh sinh này nên tên bệnh chính xác hơn gọi là viêm mũi xoang dị ứng nhiễm khuẩn. Bệnh nhân vì vậy cần được điều trị như một viêm mũi xoang nhiễm khuẩn và phối hợp điều trị thuốc chống dị ứng bệnh mới khỏi được.... Mời các bạn xem thêm bài dưới đây.
VIÊM MŨI XOANG DỊ ỨNG
Trần Lệ Thủy MD., Ph.D
Trần Minh Trang MD., MSc
Websites: taimuihongthuytran.com & xoang.vn
VIÊM MŨI DỊ ỨNG
Allergic Rhinitis
Là bệnh cảnh viêm mũi xảy ra trên người có cơ địa dị ứng, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh dị ứng khác trên cơ thể và là bệnh có tỷ lệ cao trong dân số.
Viêm mũi dị ứng là phản ứng quá mẫn cảm của niêm dịch mũi xẩy ra khi có kích thích của độc tố hoặc vật chất lạ qua trung gian là kháng thể [Antibody] IgE [ Immunoglobulin]. Độc tố hoặc những vật chất lạ gây nên phản ứng dị ứng được gọi là những dị nguyên [Antigen]; chúng vốn có trong môi trường tự nhiên như bụi nhà, phấn hoa, lông vũ, hóa chất, thực phẩm và đặc biệt phổ biến là dị ứng với sự đổi thay giao mùa của thời tiết. Vật chất lạ này còn có thể nẩy sinh tại chỗ do quá trình viêm sinh ra như vi khuẩn, dịch tiết, mủ. Tỷ lệ mắc bệnh dị ứng theo mùa thường xảy ra với trẻ sau 2 tuổi, nặng dần khi lớn lên và rất nặng ở tuổi già. Bệnh dị ứng còn mang yếu tố di truyền trong gia đình, tuy nhiên hình thái biểu hiện bệnh có thể khác biệt giữa các cá thể: hoặc là viêm mũi dị ứng, hoặc hen phế quản, nổi mẩn ngứa hoặc những bệnh lý dị ứng khác.
Ở giai đoạn đầu của bệnh tác động kích thích đã sinh ra sự đáp ứng miễn dịch qua vai trò trung gian của kháng thể IgE diễn ra trong niêm mạc mũi, một quá trình miễn dịch đã hình thành và bộc lộ bằng phản ứng dị ứng. Phản ứng này tác động vào hệ thần kinh, các tuyến bài tiết, mạch máu gây nên những biến động lâm sàng của bệnh như hắt hơi, ngứa mũi, chảy mũi, tắc mũi; Tập chứng này xuất hiện là bộc lộ giai đoạn đáp ứng dị ứng [Allergic Response] của cơ thể.
Nếu những yếu tố kích thích dị ứng tái diễn bệnh lý sẽ trở nên nặng dần và luôn có sự bội nhiễm vi khuẩn kèm theo. Lúc này vi khuẩn và mủ trở nên một yếu tố mới tại chỗ gây kích thích dị ứng gọi là dị nguyên tại chỗ.
Những dị hình cấu trúc bên trong hốc mũi như gai vách ngăn, dầy vẹo vách ngăn, quá phát các cuốn mũi, mỏm móc, bóng sàng là những yếu tố thuận lợi làm cho khoảng không trong hốc mũi bị thu hẹp và vì vậy sự thông khí càng trở nên nặng hơn khi cơn dị ứng xảy ra.
VIÊM MŨI XOANG DỊ ỨNG MẠN TÍNH
Allergic Chronic Rhinosinusitis
Hốc mũi nối thông với hệ thống các xoang bởi các khe hẹp tạo thành một chuỗi các khoang rỗng liền kề được lót trong lòng bởi cùng một loại màng niêm mạc biểu mô đường thở do vậy những viêm nhiễm niêm mạc mũi lâu ngày luôn gây viêm niêm mạc trong xoang. Phản ứng dị ứng của niêm mạc xảy ra tái diễn cũng không dừng lại ở hốc mũi. Vì lý do này ngành tai mũi họng thế giới [1997] đã đặt tên cho bệnh cảnh viêm nhiễm đồng thời xảy ra trên cả hai vùng mũi và xoang là viêm mũi xoang mạn tính [Chronic Rhinosinusitis- CRS]. Viêm mũi xoang mạn tính có nguyên nhân dị ứng được gọi là viêm mũi xoang dị ứng mạn tính [Allergic Chronic Rhinosinusitis]. Tuy nhiên, quá trình xảy ra phản ứng dị ứng trên niêm mạc mũi xoang luôn mang theo hậu quả nhiễm khuẩn, sinh mủ trong xoang và một tên gọi đầy đủ hơn sẽ là viêm mũi xoang dị ứng nhiễm khuẩn mạn tính.
Viêm mũi xoang dị ứng đồng thời có tỷ lệ khá cao nhiễm nấm. Lý do dễ nhiễm nấm là vì những bệnh nhân dị ứng khả năng miễn dịch giảm. Theo thống kê của Trần Lệ Thủy vào mùa ẩm ướt tháng ba năm 2009 tại Hà Nội, tỷ lệ nhiễm nấm trên bệnh nhân viêm mũi xoang dị ứng là 80%[ 24/30 bệnh nhân, soi tươi: nhiễm nấm Candida Albican]
TRIỆU CHỨNG
Triệu chứng tại mũi
Phản ứng miễn dịch xảy ra đã làm cho niêm mạc mũi trở nên phù nề dầy cộm gây thiếu thở, dịch xuất tiết niêm mạc mũi tuôn trào kích thích hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mắt vì tắc ống mũi mắt, đau nhức đầu vì các lỗ xoang tắc, dịch bài tiết sinh lý ứ đọng tạo thành mủ trong xoang. Dịch mũi xoang chảy xuống thành sau họng gây ho, đau rát họng, ngứa họng.
Khi mũi xoang viêm dị ứng đã bội nhiễm vi khuẩn triệu chứng kèm theo là chảy mũi mủ, đờm đặc.
Triệu chứng đơn thuần ở họng
Có một dạng lâm sàng đặc biệt khác của viêm mũi xoang dị ứng là trên những người bệnh này không bộc lộ những cơn hắt hơi, chảy mũi, tắc mũi, chỉ có triệu chứng ho, đau rát họng, có dịch chảy sau họng. Triệu chứng bệnh xuất hiện vào những thời điểm giao mùa và luôn tái diễn.
Khám nội soi hốc mũi
Trong đợt dị ứng hốc mũi rất chật hẹp vì toàn bộ niêm mạc phù sũng và tăng tiết dịch, ngoài đợt dị ứng có thể thấy mầu sắc niêm mạc nhợt nhạt, có thể niêm mạc biến đổi thành polip. Cần đặt bấc có thấm thuốc giảm phù nề niêm mạc như Adrenalin0,1% và thuốc giảm đau lidocain 2% vào hốc mũi các khe mũi để có thể soi kỹ các khe mũi, sàn mũi, tình trạng các lỗ xoang. Hút rửa hốc mũi để phát hiện mủ viêm ẩn náu sau các góc khuất. Đánh giá hình dáng kích cỡ bất thường các cầu trúc liên quan đến sự thông khí mũi xoang.
Có thể có polip mũi..
Xquang
Cần chụp Xquang để đánh giá tình trạng niêm mạc dầy do dị ứng, có thể có polip trong xoang, dịch viêm, mủ hoặc khối nấm. Tuy nhiên theo Aygun và Zinreich chỉ 70-80% trên phim cắt lớp CT Scan hình ảnh viêm xoang phản ảnh rõ rệt.
Xét nghiệm vi sinh
Có tỷ lệ nhiễm nấm candida cao.
Triệu chứng toàn thân
Mệt mỏi, có thể kèm theo đau nhức cơ bắp.
Thường có kèm theo bệnh cảnh trào ngược dạ dầy thực quản[ GERD].
ĐIỀU TRỊ
Điều trị viêm mũi xoang dị ứng là một thách thức đối với cả thầy thuốc và người bệnh! Có ai đó quá bi quan đã ví bệnh dị ứng mũi xoang như “lũ lụt” và an ủi bạn hãy sống chung với nó [?].
Không phải như vậy!
Lời giải sẽ là sáng sủa khi bạn xác định đây là bệnh lý tại chỗ trên một người có cơ điạ dị ứng; trong đó những dị nguyên kích thích tại chỗ đã đóng góp vai trò chính yếu gây nên triệu chứng bệnh dị ứng mũi xoang. Điều trị loại bỏ những dị nguyên này là việc có thể thực hiện hữu hiệu bởi các thầy thuốc tai mũi họng. Dị nguyên tại chỗ bao gồm: Một là vi khuẩn, mủ và dịch viêm; Hai là những bất thường của cấu trúc bên trong hốc mũi gây nên sự bít tắc dẫn lưu dịch mũi xoang, đóng vai trò như một gai kích thích dị ứng niêm mạc mũi.
Phần còn lại rất quan trong nhưng rất khổ công để thực hiện đó là điều trị giải mẫn cảm làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể - là phần việc của các nhà thầy thuốc miễn dịch dị ứng.
Điều trị loại bỏ dị nguyên tại chỗ
Là nhóm những giải pháp sau cần phối hợp điều trị tích cực để loại bỏ dị nguyên tại chỗ gây viêm dị ứng là thiết thực chữa dị ứng mũi xoang.
1/ Thuốc kháng sinh, Corticoid chống viêm và kháng histamine tổng hợp dạng uống để chống viêm dị ứng, làm cho niêm mạc mũi giảm phù nề, giảm tiết dịch. Thuốc kháng sinh đặc trị chống nấm cho những bệnh nhân thử nghiệm vi sinh có nấm dương tính. Thuốc chống trào ngược dạ dầy thực quản trên những người mắc thêm chứng bệnh này.
2/ Lấy đi khối lượng mủ ứ đọng trong xoang bằng cách hút rửa mũi xoang hệ thống với Natri Clorid 0,9%, dung dịch kháng sinh và Hydrocortison [ Kỹ thuật Thủy Trần ] nhỏ mũi và khí dung mũi. Niêm mạc xoang dị ứng rất dầy, sẽ còn tiếp tục tiết dịch nhầy sau khi đã hết mủ. Lượng dịch nhày đặc không tự dẫn lưu được ra ngoài do đó việc hút rửa vẫn cần tiếp tục cho đến lúc mũi xoang thông khí, niêm mạc trong xoang trở lại độ dầy bình thường.
3/ Phẫu thuật MIST
- Đánh giá tình trạng bất thường của giải phẫu hốc mũi, đặc biệt là vùng phức hợp các lỗ thông xoang [OMC]: Nếu có tắc nghẽn đường dẫn lưu của các xoang cần đưa ra chỉ định điều trị phẫu thuật nội soi chức năng tối thiểu [ MIST ] để loại bỏ những nút bít tắc, đưa mủ viêm, nấm ra khỏi xoang, lập lại sự thông khí của mũi xoang. Chăm sóc sau mổ với một qui trình hút rửa mũi xoang.
- Cắt bỏ polip mũi nếu có.
KẾT QUẢ
Là khả quan. Các triệu chứng bệnh thoái lui, chức năng mũi xoang trở lại bình thường. Nếu những kích thích dị ứng từ môi trường còn tái diễn bệnh nhân vẫn có thể gặp lại triệu chứng dị ứng mũi xoang nhưng chỉ còn là phản ứng dị ứng rất nhẹ.
Điều trị dị ứng miễn dịch
Đây là lĩnh vực của các nhà chuyên khoa dị ứng miễn dịch.
Những bệnh nhân dị ứng toàn thân nặng có thể đến các trung tâm dị ứng miễn dịch để điều trị tiếp tục. Họ sẽ được thử những nghiệm ứng da để tìm ra các loại vật chất gây dị ứng. Trên cơ sở này họ sẽ được chỉ định điều trị một chương trình dài hạn bằng phương pháp giải mẫn cảm: đưa vào cơ thể những liều nhỏ những dị nguyên gây dị ứng để trong cơ thể người bệnh sẽ sinh ra kháng thể chống bệnh. Quá trình điều trị này cần nhiều năm tháng.
H1 -
Nấm cư trú trong xoang hàm trái
H2 - Mủ hút từ xoang hàm bên phải
H3
H4
H3, H4: Kết quả hồi phục hoàn toàn sau điều trị theo Kỹ thuật Thủy Trần